Tin dự án
Tin dự án

“Sếu lớn” đang về Quảng Ninh

(ĐTCK) Dù theo quy hoạch, Quảng Ninh có 11 khu công nghiệp được phê duyệt, nhưng đến nay, mới chỉ có 6 khu có chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng và thu hút nhà đầu tư thứ cấp…

Nhân tố mới - Khu kinh tế ven biển Quảng Yên

Với những yếu tố mới về hạ tầng giao thông kết nối liên vùng hoàn thiện, hay việc thành lập Khu kinh tế (KKT) ven biển Quảng Yên, bất động sản công nghiệp của Quảng Ninh đang tăng dần sức hút.

Theo Ban quản lý KKT Quảng Ninh, KKT ven biển Quảng Yên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển các KKT ven biển ở Việt Nam đến năm 2020. KKT này có diện tích khoảng 13.303 ha, được hình thành trên cơ sở 2 khu vực là Khu phức hợp đô thị, công nghiệp, công nghệ cao tại TP. Uông Bí và thị xã Quảng Yên có diện tích trên 6.400 ha; Khu vực dịch vụ cảng biển, cảng biển, công nghiệp và đô thị Đầm Nhà Mạc có diện tích gần 6.900 ha.

Để từng bước đáp ứng được yêu cầu của một KKT ven biển, song song với thu hút nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách, tỉnh Quảng Ninh đã dành trên 1.000 tỷ đồng đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối giữa các khu công nghiệp với nhau, giữa khu công nghiệp với cao tốc Hạ Long - Hải Phòng. Hiện Quảng Ninh đang tiếp tục đầu tư tuyến đường ven sông kết nối thị xã Quảng Yên với thị xã Đông Triều.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông  Koen Soenens, Giám đốc Kinh doanh và Maketing của Khu công nghiệp DEEP C Hải Phòng nhận định: “Dưới góc nhìn của chúng tôi, Quảng Ninh là khu vực có một số yếu tố độc đáo duy nhất để trở thành địa điểm đầu tư tiếp theo của chúng tôi tại Việt Nam”.

Hiện DEEP C đã thực hiện đầu tư 2 khu công nghiệp tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh (Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong và Khu công nghiệp Tiền Phong, tức DEEP C Quảng Ninh) với tổng quy mô 1.680 ha. Trong kế hoạch triển khai đầu tư của mình, một khu nhà xưởng rộng 180.000 m2 tại DEEP C Quảng Ninh đang được xây dựng và sẽ đưa vào hoạt động trong năm 2021. Dự kiến, cuối năm nay, DEEP C Quảng Ninh cũng sẽ ký kết hợp đồng cho thuê hạ tầng đầu tiên và dự án sẽ được triển khai ngay vào đầu năm 2021.

“DEEP C Quảng Ninh tiếp giáp với hệ thống cao tốc thẳng tới biên giới với Trung Quốc, có sân bay quốc tế, lại gần cảng biển quốc tế Lạch Huyện. Từ góc độ của chúng tôi, nếu xóa bỏ ranh giới giữa 2 địa phương là Hải Phòng và Quảng Ninh thì DEEP C Quảng Ninh cũng ở vị trí tương tự như DEEPC Hải Phòng, phù hợp để chúng tôi xây dựng một hệ sinh thái khu công nghiệp gắn với cảng biển”, ông Koen Soenens nhận định.

Bên cạnh đó, khi thực hiện đầu tư thì dù là nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài, việc đưa ra quyết định đầu tư đều có những điểm chính yếu cần quan tâm. Đó là sự ổn định về chính trị - xã hội, chính sách; ưu đãi về thuế và vị trí địa lý.

Hiện KKT Quảng Yên của Quảng Ninh đang đáp ứng cả 3 yếu tố này. Đặc biệt là yếu tố ưu đãi về thuế khi Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt bổ sung quy hoạch KKT ven biển Quảng Yên vào Quy hoạch phát triển các KKT ven biển ở Việt Nam đến năm 2020 và sẽ được hưởng các ưu đãi về thuế như KKT ven biển Đình Vũ - Cát Hải tại Hải Phòng.


Mặt bằng sạch tại DEEP C Quảng Ninh đã chuẩn bị sẵn sàng để bàn giao cho khách hàng đầu tiên vào cuối năm

Cũng giống như DEEP C, Tập đoàn Amata cũng đã nhìn thấy tiềm năng của KKT Quảng Yên và nhanh chân thực hiện dự án đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Sông Khoai, trên diện tích 714 ha, có tổng vốn hơn 155 triệu USD. Hiện nhà đầu tư này đang triển khai san lấp mặt bằng, xây dựng khu điều hành, trạm cấp nước, trạm xử lý nước thải… và dự kiến sẽ hoàn tất, đưa vào khai thác trong năm nay.

Ngoài những nhà đầu tư lớn này, trên địa bàn thị xã Quảng Yên còn thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư khác như: Công ty Đầu tư và Phát triển hạ tầng Viglacera, Công ty cổ phần Sửa chữa tàu biển NOSCO - VINALIES, Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại Xuân Trường Hải, Công ty TNHH một thành viên Sửa chữa ô tô Hải Phòng...

Chủ trương cơ cấu lại ngành công nghiệp

Một trong những định hướng phát triển kinh tế giai đoạn 2020 - 2025 là Quảng Ninh xác định sẽ cơ cấu lại công nghiệp, nâng cao trình độ công nghệ, tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghệ thông tin, với giá trị gia tăng lớn làm đột phá.

Theo đó, địa phương sẽ đặt trọng tâm phát triển hơn nữa các khu công nghiệp, KKT hiện hữu, nâng cao lợi thế, năng lực cạnh tranh để hút các nhà đầu tư có năng lực như Amata, DEEP C đến làm hạ tầng khu công nghiệp, cũng như thu hút các nhà đầu tư thứ cấp có năng lực, có hàm lượng công nghệ cao.

Tín hiệu vui là trong thời gian gần đây, Quảng Ninh đã thu hút được một số nhà đầu tư lớn có năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghiệp sạch vào nghiên cứu đầu tư như: TCL, Foxconn, Texhong, Amata, Rent A Port, Thành Công... Các dự án này đều sử dụng tư vấn quốc tế, trang thiết bị hiện đại, công nghệ sản xuất và mô hình quản lý tiên tiến, sản xuất các sản phẩm và dịch vụ thân thiện, hạn chế tối đa các ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Mới đây, Tập đoàn Vingroup cũng đã công khai kế hoạch đầu tư Tổ hợp sản xuất công nghiệp phía Nam sông Lục Lầm (phường Hải Hòa, TP. Móng Cái, thuộc KKT cửa khẩu Móng Cái) với quy mô vốn hơn 3.400 tỷ đồng để sản xuất phụ tùng, bộ phận phụ trợ cho xe ô tô, xe có động cơ khác.

Theo tổng hợp của Ban quản lý KKT Quảng Ninh, hiện trên địa bàn tỉnh có 11 khu công nghiệp đã nằm trong Quy hoạch phát triển đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt với tổng diện tích là hơn 11.741 ha. Trong đó, mới có 6/9 khu công nghiệp có chủ đầu tư hạ tầng là đã thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, với tỷ lệ lấp đầy trên 60%. Như vậy, quỹ đất trống trong các khu công nghiệp còn rất lớn, rất thuận lợi để hút các nhà đầu tư có nhu cầu cần quỹ đất rộng để triển khai dự án. Bên cạnh đó, Quảng Ninh còn có 4 KKT đã được thành lập (KKT ven biển Vân Đồn rộng 217.133 ha và 3 KKT cửa khầu là Móng Cái, Hoành Mô - Đồng Văn, Bắc Phong Sinh) và 1 KKT ven biển đang trong quá trình thực hiên thủ tục thành lập là Quảng Yên.

Đến thời điểm hiện tại, các khu công nghiệp, KKT trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đang có 250 dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách còn hiệu lực (178 dự án trong nước và 72 dự án FDI với tổng vốn đăng ký lần lượt là hơn 47.886 tỷ đồng và hơn 3,2 tỷ USD).

Tuy nhiên, theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, những kết quả này còn khá khiêm tốn, nguyên nhân do cách đây khoảng 5 năm, với hạn chế lớn về hạ tầng giao thông và tính kết nối liên vùng kém nên khó hấp dẫn các nhà đầu tư.

Bằng việc giải quyết nút thắt về hạ tầng giao thông thông qua hàng loạt các dự án trọng điểm như tuyến cao tốc kết nối các địa phương Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Tiên Yên - Móng Cái; cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cải tạo nâng cấp quốc lộ 18A đi qua Đông Triều - Uông Bí - Hạ Long,… đã giúp việc giao thương đến và đi qua Quảng Ninh thuận lợi hơn bao giờ hết. Vì thế, dòng vốn của các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước đến với Quảng Ninh ngày một lớn, và các nhà đầu tư, kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp như DEEP C, Amata đều đã nhìn thấy sức hút này của Quảng Ninh…

Nguồn: VIR

Xem thêm